Tin tức ngành

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản số 1438/TCHQ-GSQL ngày 10/3/2020 hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về các quy định liên quan đến thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành ban hành tại Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. (Nghị định số 85/2019/NĐ-CP) .

Theo đó, đối với quy định về thông quan hàng hóa, trường hợp hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, nếu người hải quan hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định và hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 23; điểm a, điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 24 Nghị định số 85/2019/NĐ-CP thì được thông quan.

Theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 23; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24 Nghị định số 85/2019/NĐ-CP thì:

Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu (hoặc nhập khẩu) phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, cơ quan hải quan quyết định thông quan sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật và phải đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

–  Có thông báo miễn kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, trừ trường hợp hàng hóa được miễn kiểm tra theo quy định tại Điều 22 Nghị định này;

–  Có thông báo kết quả kiểm tra đạt yêu cầu của cơ quan kiểm tra chuyên ngành;

–  Có thông báo kết quả phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng của tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định và được pháp luật chuyên ngành quy định là cơ sở để thông quan hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa thuộc diện phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng có xác nhận của cơ quan kiểm tra chuyên ngành cho cơ quan hải quan theo quy định tại điểm b khoản 2a và điểm b khoản 2b Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018), cơ quan hải quan kiểm tra đối chiếu thông tin về số, ngày của Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng đã được cơ quan kiểm tra chuyên ngành xác nhận trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và tờ khai hải quan điện tử để thực hiện việc thông quan hàng hóa, không yêu cầu người khai hải quan phải nộp bản giấy.

Điểm b khoản 2a; điểm b khoản 2b Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP quy định: “Trong thời hạn 01 ngày làm việc, cơ quan kiểm tra xác nhận người nhập khẩu đã đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu trên bản đăng ký của người nhập khẩu. Người nhập khẩu nộp bản đăng ký có xác nhận của cơ quan kiểm tra cho cơ quan hải quan để được phép thông quan hàng hóa”.

Danh sách các thủ tục đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng, theo quy định tại điểm b khoản 2a và điểm b khoản 2b Điều 7 đã thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cục Hải quan tỉnh, thành phố tra cứu trên website www.vnsw.gov.vn.

Căn cứ vào khoản 3 Điều 24 Nghị định số 85/2019/NĐ-CP, trường hợp số lượng hàng hóa thực tế nhập khẩu nhiều hơn so với số lượng đã khai trên tờ khai hải quan nhưng là hàng hóa đồng nhất, cùng nhà nhập khẩu, cùng xuất xứ, cùng nhà sản xuất, được vận chuyển trên cùng một phương tiện vận tải, cùng vận tải đơn, nếu kết quả kiểm tra chuyên ngành của tờ khai kết luận đạt chất lượng nhập khẩu thì cơ quan hải quan hướng dẫn người khai hải quan thực hiện  việc khai bổ sung theo quy định tại khoản 3 hoặc điểm a khoản 4 Điều 20 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC).

Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 85/2019/NĐ-CP quy định: “Trường hợp số lượng hàng hóa thực tế nhập khẩu nhiều hơn so với số lượng đã khai báo trên tờ khai hải quan nhưng là hàng hóa đồng nhất, cùng nhà nhập khẩu, cùng xuất xứ, cùng nhà sản xuất, được vận chuyển trên cùng phương tiện vận tải, cùng vận tải đơn trừ hàng hóa là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải thì người khai hải quan được sử dụng kết quả kiểm tra chuyên ngành của tờ khai đó để thông quan sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế và quyết định xử lý (nếu có) theo quy định của pháp luật”.

Đối với quy định về đưa hàng về bảo quản, ngoài các trường hợp không được đưa về bảo quản theo quy định tại khoản 6 Điều 32 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC), trong quá trình làm thủ tục hải quan, nếu phát hiện hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành có dấu hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; hoặc có thông tin do các Bộ, ngành, cơ quan kiểm tra chuyên ngành cung cấp về việc hàng hóa dự kiến nhập khẩu có dấu hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc xác định hàng hóa nhập khẩu cùng chủng loại với mặt hàng bị kiểm tra  trong lưu thông không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cơ quan hải quan không cho đưa hàng về bảo quản, đồng thời có văn bản thông báo cho cơ quan kiểm tra chuyên ngành lưu ý.

Khoản 6 Điều 32 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC) như sau:

“6. Các trường hợp không được đưa về bảo quản

Nếu vi phạm quy định đưa hàng về bảo quản, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, người khai hải quan không được tiếp tục mang hàng hóa về bảo quản:

a) Trong thời gian 01 năm kể từ ngày bị cơ quan hải quan lập Biên bản vi phạm về hành vi không đảm bảo nguyên trạng hàng hóa; bảo quản hàng hóa không đúng địa điểm đăng ký với cơ quan hải quan; kho bãi lưu giữ hàng hóa không đảm bảo quy định tại điểm b.1.4 khoản 3 Điều này;

b) Trong thời gian 06 tháng kể từ ngày bị xử phạt về hành vi vi phạm quy định về thời hạn nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành nêu tại điểm a.1 khoản 5 Điều này.”

Tổng cục Hải quan cũng lưu ý Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện các nội dung khác như thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục hành chính đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh quy định tại Nghị định 85/2019/NĐ-CP. Trường hợp có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền thì báo cáo Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn xử lý.

Nguồn: Hải quan Việt Nam