Tin tức ngành

Trong nhiều năm qua, thị trường Châu Á và Mỹ vẫn là nơi thu hút lớn nhất lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Xuất khẩu hàng hóa đi Châu Âu tuy cũng đóng góp một phần đáng kể, nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng thực tế từ thị trường này. Trở ngại lớn nhất đối với thị trường Châu Âu vẫn là những yêu cầu khắc khe về tiêu chuẩn hàng hóa, các quy định bảo hộ thương mại và thủ tục hải quan của Châu Lục này.Tuy nhiên trong những năm gần đây, với sự nới lỏng các quy định về tiêu chuẩn hàng hóa và đặc biệt là sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân Châu Âu. Xuất khẩu hàng hóa đi Châu Âu lại trở thành một thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác tốt trong thời gian tới.

1. Sự ưa thích hàng hóa Phương Đông:
Theo một nghiên cứu, người Châu Âu đang dần trở nên hiếu kỳ hơn với các sản phẩm từ các nền văn hóa khác, đặc biệt là Châu Á. Họ yêu thích các sản phẩm được chế tạo tinh xảo, được trạm trổ hoặc vẽ các hoa văn mang phong cách của các nước Phương Đông như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam… Đặc biệt là các sản phẩm được làm từ gỗ hay gốm, sứ.

Với các sản phẩm để làm quà tặng hay trang trí trong nhà, người Châu Âu thích những thiết kế đặc trưng của Châu Á, kèm theo đó là những câu chuyện và giai thoại đặc biệt. Những sản phẩm có thiết kế riêng biệt sẽ tạo nên cảm giác nó được sản xuất riêng cho riêng họ, khiến họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn, không ngần ngại mua sản phẩm đó.

xuất khẩu hàng hóa đi châu âu

Xuất khẩu hàng hóa đi Châu Âu có nhiều cơ hội nhờ sự ưa thích sản phẩm truyền thống Việt Nam

Sở thích làm vườn và chăm sóc cây cảnh cũng phổ biến hơn trong các gia đình Châu Âu. Kéo theo đó là sự gia tăng về nhu cầu đối với các sản phẩm Chậu bằng gốm, sứ, đây đều là các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, những thương hiệu như: gốm sứ Bát Tràng hay gốm đỏ Vĩnh Long cũng dần được biết đến tại Châu Âu. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa đi Châu Âu vẫn chưa làm tốt việc đưa sự đặc trưng của văn hóa Việt Nam vào các sản phẩm, và chưa tạo được sự khác biệt, đễ bị lẫn lộn với các mặt hàng từ Trung Quốc.

2. Chú trọng hơn đến bảo vệ môi trường:
Phát triển bền vững trong những năm qua vẫn là chủ đề liên tục được nhấn mạnh tại các quốc gia ở Châu Âu. Họ ưu tiên hơn trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy động cơ mua hàng của họ. Điều này cũng dẫn đến việc các doanh nghiệp muốn sử dụng các vật dụng được làm từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường, điều này sẽ giúp ích cho công việc kinh doanh của họ.

Điều này là một lợi thế lớn cho ngành xuất khẩu hàng hóa đi Châu Âu của nước ta, khi nước ta có thể sản xuất rất đa dạng các sản phẩm được làm từ những nguyên vật liệu rất thân thiện với môi trường như: mây tre, cói, nứa, đất sét…

3. Sản phẩm chất lượng cao và quy trình sản xuất sạch:
Không chỉ thân thiện với môi trường, các sản phẩm xuất khẩu đi Châu Âu còn phải an toàn đối với sức khỏe của người sử dụng. Người tiêu dùng Châu Âu đòi hỏi ở doanh nghiệp xuất khẩu những chứng minh không chỉ ở chất lượng sản phẩm mà còn ở chất lượng quy trình sản xuất. Đây là một trong những thách thức đối với doanh nghiệp Việt, vì hạ tầng công nghệ của chúng ta vẫn còn một khoảng cách lớn so với các nước phát triển.

Do đó để tăng sức cạnh tranh và để thật sự xuất khẩu được hàng hóa Việt Nam chứ không chỉ là gia công, các doanh nghiệp Việt cần nhiều nỗ lực hơn trong việc xây dựng, nâng cấp các quy trình sản xuất hàng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu hàng hóa đi Châu Âu.